Điểm thi đại học của bạn có thể chưa như bạn mong muốn, tuy nhiên nếu bạn hội tụ đủ những tố chất dưới đây thì bạn có thể sẽ rất phù hợp với ngành Y đó. Cùng nhau tìm hiểu nhé.
Tấm lòng nhân từ, yêu thương bệnh nhân
Cụm từ “Lương y như từ mẫu” chắc không còn xa lạ gì với các bạn không chỉ thuộc ngành Y mà còn những người khác nữa đúng không? Để trở thành một bác sĩ giỏi, ngoài năng lực chuyên môn bạn còn phải có lòng nhân ái, có khả năng thấu cảm với hoàn cảnh và nỗi đau của bệnh nhân. Chỉ có như thế bạn mới có thể phát huy hết khả năng, tận tâm chăm sóc và hết lòng chữa trị cho bệnh nhân.
Sức khỏe tốt, có thể làm việc dưới áp lực cao
Bác sĩ là những người phải chịu áp lực nhất khi đối diện với việc khám bệnh hay nặng nhất là phẫu thuật cho bệnh nhân. Vì vậy, bạn phải có một “tinh thần thép” để có thể đối mặt với những giờ giấc khắc nghiệt và căng thẳng. Khoẻ ở đây không chỉ được hiểu về thể chất mà tinh thần của người hành nghề y cũng phải thật vững chãi, chịu được những căng thẳng và áp lực do tính chất công việc mang lại.
Cẩn trọng, tỉ mỉ, khéo léo
Bác sĩ là người trực tiếp khám và chữa bệnh cho bệnh nhân, những công việc này đòi hỏi cần phải có sự tỉ mỉ cẩn trọng cao vì liên quan đến tính mạng con người. Vì thế, Sự tỉ mỉ, cận trọng của bác sĩ trong suốt quá trình thăm khám, chẩn đoán sẽ hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có khi đưa ra nhận định và phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ra, tố chất này sẽ khiến cho quá trình phẫu thuật của bác sĩ diễn ra suôn sẻ và thuận lợi hơn.
Sự can đảm
Do tính chất nghề nghiệp, bác sĩ lúc nào cũng sẽ phải đối mặt với những ca chấn thương từ nhỏ đến lớn. Vì vậy, việc này đòi hỏi bác sĩ cần phải có tâm lý vững vàng trước những thứ như máu, kim tiêm,…
Tuy nhiên, nếu bạn là một người sợ máu thì vẫn có thể theo đuổi được lĩnh vực Y nhờ việc rèn luyện và thí nghiệm ở đại học, 6 năm là một khoảng thời gian dài giúp bạn vượt lên nỗi sợ của chính mình. Ngoài ra, ngành y vẫn còn rất nhiều chuyên ngành khác không cần đụng tới máu, đặc biệt như là ngành siêu âm, dược,…
Khả năng giao tiếp
Ngoài các kiến thức chuyên môn mà bác sĩ cần biết, kỹ năng giao tiếp cũng là một kỹ năng quan trọng để giúp bác sĩ thành công trên lĩnh vực y tế này. Khi làm việc tại bệnh viện, bạn cần phải phối hợp với rất nhiều bác sĩ từ phòng khám khác nhau hay thậm chí cần phải đối tiếp với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân,… điều này yêu cầu người bác sĩ cũng cần phải cải thiện kỹ năng giao tiếp để có thể truyền đạt thông tin một cách đầy đủ và thuyết phục nhất đến với bác sĩ khác hay bệnh nhân để họ có thể tin tưởng và hoàn thành công việc một cách thuận lợi hơn.
Trên đây là gợi ý cho những tố chất phù hợp với ngành Y khoa. Nếu bạn có những tố chất này, xin chúc mừng bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và quyết tâm đeo đuổi mục tiêu trở thành bác sĩ đa khoa của mình rồi. Tiếp theo bạn cũng cần tìm hiểu thêm điểm trúng tuyển, các môn thi của ngành Y khoa để có sự chuẩn bị cho hành trình thi đại học sắp tới.
Chúc bạn thành công!